TP HCM kiến nghị Trung ương bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để làm các công trình giao thông, trong đó ưu tiên dự án quốc lộ 13 nhiều năm chậm trễ.

Những ngày trước và sau Tết, dòng xe dày đặc trên quốc lộ 13 do nhu cầu đi lại tăng cao. Có thời điểm, xe khách, buýt, ôtô con ùn ứ kéo dài hơn 2 km đoạn từ ngã tư Bình Triệu đến gần giao lộ đường Hiệp Bình (TP Thủ Đức). Trong khi đó, hàng nghìn xe máy phải len lỏi giữa các khoảng hở, di chuyển chậm chạp theo hướng vào trung tâm thành phố.

123 saigonland.com.vn
Dòng xe ùn ứ trên quốc lộ 13 gần cầu Bình Triệu, cuối năm 2021.

Theo các tài xế, đây là trục đường chính ra vào nội đô thành phố, lại gần bến xe Miền Đông, ôtô ra vào nhiều nên ùn tắc thường tái diễn. “Nhất là ở ngã tư Bình Triệu, mỗi lần tàu hoả chạy qua lại xảy ra ùn tắc nghiêm trọng”, anh Văn Quân (37 tuổi) nói và cho biết nhiều hôm, hành trình hơn 20 km từ Thủ Dầu Một (Bình Dương) đến nội đô TP HCM anh mất hơn 2 giờ vì kẹt xe.

Quốc lộ 13 kết nối TP HCM qua các tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Ở phía Bình Dương, tuyến quốc lộ này khang trang, thông thoáng khi nhiều lần được nâng cấp và chuẩn bị mở rộng từ 6 lên 8 làn xe. Trong khi đoạn qua TP HCM hiện chỉ 4-6 làn, tạo “nút thắt cổ chai” nên luôn ùn tắc nhiều năm qua.

Đoạn hơn 5 km quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu trước đây thuộc dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2, hình thành từ năm 2001. Công trình khi đó đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), do Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư. Năm 2004, dự án được Chính phủ giao UBND TP HCM làm các thủ tục điều chỉnh, sau khi chấm dứt hợp đồng với Cienco 5.

Trong nội dung điều chỉnh năm 2008, dự án cầu đường Bình Triệu 2 gồm 7 tiểu dự án gồm: nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13; sửa chữa, nâng cấp cầu Bình Triệu cũ; cải tạo một số tuyến đường xung quanh bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) như Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm…

Sau sự cố sập cầu Cần Thơ năm 2007, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị TP HCM khẩn trương nâng cấp, sửa chữa cầu yếu trên địa bàn, trong đó có cầu Bình Triệu. Đầu năm 2008, thành phố yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII) triển khai ngay dự án nâng cấp cầu Bình Triệu. Hợp đồng BOT giữa thành phố và CII được ký năm 2009, cầu được nâng cấp xong năm 2010, thu phí hoàn vốn kết thúc năm 2015.

Năm 2018, theo hợp đồng BOT ký kết giữa CII và UBND TP HCM, dự án cầu đường Bình Triệu 2 (phần 2 – giai đoạn 2) thực hiện tiếp các công trình gồm nâng cấp một số tuyến đường quanh bến xe Miền Đông, mở rộng cầu Ông Dầu trên quốc lộ 13… tổng vốn gần 2.300 tỷ đồng. Đơn vị này khi đó cũng sẵn sàng ứng kinh phí để triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng quốc lộ 13 chạy qua TP HCM.

Tuy nhiên, các dự án gặp vướng mắc do trước đó năm 2017, Nghị quyết 437 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tạm dừng hình thức BOT trên đường hiện hữu. Vì vậy việc triển khai các công trình trên, bao gồm kế hoạch mở rộng quốc lộ 13 triển khai theo hình thức BOT phải dừng, chuyển sang sử dụng ngân sách.

1233 saigonland.com.vn
Dự án quốc lộ 13 được mở rộng sẽ giải tỏa ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ Đông Bắc TP HCM.

Năm 2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM trình thành phố quyết định chủ trương đầu tư nâng cấp mở rộng quốc lộ 13, đoạn từ chân cầu Bình Triệu đến cầu vượt Bình Phước. Theo tờ trình này, tổng mức đầu tư dự án gần 10.000 tỷ đồng, dự tính thực hiện từ năm 2019 đến 2023, nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Cuối năm 2019, tại dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2 – phần 2), UBND TP HCM đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiến hành các thủ tục đàm phán, chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT đã ký với CII, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan. Phía Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông sau đó cùng CII rà soát, xác định khối lượng cùng chi phí đã thực hiện, phần việc còn dở…

Ông Trần Chí Trung, Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư, thuộc Sở Giao thông Vận tải, cho biết việc mở rộng quốc lộ 13 hiện rất cấp thiết khi áp lực giao thông trên tuyến ngày càng tăng. Giai đoạn 2021-2025, tuyến đường được Sở Giao thông Vận tải lập kế hoạch đầu tư mở rộng, nhưng khó khăn lớn nhất hiện là nguồn lực triển khai.

Theo ông Trung, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bằng ngân sách TP HCM được duyệt khoảng 142.000 tỷ đồng, chỉ cơ bản đáp ứng dự án chuyển tiếp từ trước chứ không đủ cho các công trình mới. “TP HCM vừa kiến nghị Trung ương bổ sung khoảng 119.000 tỷ đồng. Khi được chấp thuận, thành phố sẽ có thêm nguồn lực đầu tư, trong đó quốc lộ 13 sẽ được ưu tiên bố trí vốn”, ông Trung nói.

Ngoài quốc lộ 13, năm nay TP HCM sẽ khởi công dự án mở rộng quốc lộ 50, đoạn qua huyện Bình Chánh tổng đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Trong kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP HCM giai đoạn đến năm 2030, thành phố dự kiến đầu tư mở rộng hai tuyến quốc lộ 1 và 22, tổng vốn gần 4.300 tỷ đồng, giúp giảm kẹt xe, tai nạn, tăng kết nối vùng.

Trích nguồn.

Thêm bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *